Phản ứng Vụ nổ Quan Độ 2018

Người dân khu vực

Trước sự cố, người dân khu vực cho rằng chủ kho phế liệu Nguyễn Văn Tiến có nghiệp vụ xử lý an toàn phế liệu quân dụng nên không có ý kiến.[2] Khi vụ nổ xảy ra, người dân Quan Độ la hét và tháo chạy hỗn loạn trong màn sương lạnh buổi sáng, những người gần vụ nổ không trở lại nhà vì sợ phế liệu quân dụng phát nổ.[12][14][30] Một người dân cảm nhận được rung chấn dù cách tâm vụ nổ 1 km,[12][13] một người dân cách tâm vụ nổ 2 km nghe thấy tiếng nổ và cho biết sân rơi vãi nhiều thỏi sắt nhỏ.[1] Một nạn nhân bất ngờ khi kho chứa phế liệu chứa nhiều đầu đạn dù tư gia nạn nhân gần tâm vụ nổ, đồng thời cho biết ngửi thấy mùi pháo khét nổ tí tách trong một tuần trước khi vụ nổ xảy ra.[16] Người dân từng kiến nghị chính quyền xã Văn Môn về nguy cơ cháy nổ và ô nhiễm môi trường trước vụ nổ nhưng không có kết quả,[7] người dân Quan Độ tiếp tục kiến nghị chính quyền địa phương rà soát lại phương thức quản lý kinh doanh phế liệu sau vụ nổ.[30] Sau 7 tháng kể từ vụ nổ, người dân khu vực đang xây dựng lại nhà và vẫn còn nhặt được một số vỏ đạn.[51]

Học giả – Luật gia

Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội Bùi Thị An chỉ trích sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương.[6][57] Theo luật sư Hứa Thị Thảo tại Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, trường hợp này có thể bị truy tố theo điều 304 hoặc điều 305 Bộ luật Hình sự Việt Nam.[58] Tại Đoàn luật sư Hà Nội, luật sư Trương Anh Tú cho rằng chủ kho phế liệu có thể bị truy tố theo điều 307 Bộ luật hình sự Việt Nam nếu có đủ dấu hiệu vi phạm, trong khi luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng nếu tính mạng của người khác bị xâm phạm thì phải bồi thường theo Luật Dân sự Việt Nam 2015.[59] Cũng tại Đoàn luật sư Hà Nội, luật sư Trần Thu Nam cho rằng chủ kho phế liệu vi phạm điều 304 Bộ luật hình sự Việt Nam, đồng thời nhận định chính quyền địa phương cũng phải chịu trách nhiệm.[60] Giám đốc công ty luật Minh Bạch Trần Tuấn Anh cho rằng chủ kho phế liệu vi phạm điều 304 Bộ luật hình sự Việt Nam và có thể phải bồi thường theo Luật Dân sự Việt Nam 2015.[41][61] Cựu Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Dương Tùng việc quản lý các làng nghề được giao cho từng tỉnh quản lý, mỗi tỉnh sẽ giao cho Sở Công thương hoặc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn quản lý; nhưng phế liệu vật liệu nổ thuộc quản lý của quốc phòng.[41] Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha nhận định "hầu hết các quy định đều bị ngó lơ" trong các vụ nổ kho phế liệu gần đây, đồng thời cho rằng khâu tiêu hủy vật liệu nổ có vấn đề.[62]

Truyền thông

Đài Truyền hình Việt Nam chỉ trích chính quyền địa phương buông lỏng quản lý làng nghề thu gom phế liệu, đồng thời đặt câu hỏi về nguồn bán bảy tấn vũ khí quân dụng cho Nguyễn Văn Tiến.[6] Gia Hiền trên VnExpess cho rằng thị trường tái chế phế liệu tại Việt Nam ít được quan tâm và cơ chế quản lý bị buông lỏng, đồng thời chỉ trích giới thương nhân phế liệu vì lợi nhuận mà gạt bỏ sinh mạng và vấn đề bảo vệ môi trường.[63] Ái Nhân trên Tuổi Trẻ bày tỏ lo lắng khi nhiều địa điểm mua bán phế liệu quân dụng, đồng thời kiến nghị chính quyền địa phương toàn quốc rà soát lại các quy định liên quan đến quản lý kinh doanh phế liệu.[58] Cũng trên Tuổi Trẻ, Nguyễn Tuấn Thành chỉ trích những người liên quan "điếc không sợ súng", đồng thời nêu quan điểm không được kinh doanh trên tính mạng cộng đồng.[4]

Đài Tiếng nói Việt Nam nói rằng việc khởi tố hình sự chủ kho phế liệu chỉ là "giải quyết phần ngọn", đồng thời nhấn mạnh "không thể nói mãi câu chuyện trách nhiệm một cách chung chung".[64] Nguyễn Khắc Giang trên VietNamNet cảm thán "tất cả những quy định pháp luật sẽ trở thành vô nghĩa nếu không được thực thi một cách nghiêm túc".[65] Cũng trên tờ báo này, Phúc Lai nhận xét "dường như các cơ quan chức năng vẫn quản lý những cơ sở thu mua phế liệu theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa".[66] Lê Anh Đạt trên Lao Động nói rằng việc buông lỏng quản lý trong vụ nổ này là "vô cảm, bất nhân và là tội ác".[67] Cũng trên Lao Động, Lê Thanh Phong chỉ trích sự tắc trách của Bí thư, Chủ tịch tại chính quyền xã Văn Môn cũng như chính quyền huyện Yên Phong và chính quyền tỉnh Bắc Ninh.[68] Hà Thư trên Gia đình & Xã hội so sánh vụ nổ là "tiếng chuông báo động về công tác quản lý, giám sát".[69]

Quân đội

Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn cho biết Việt Nam phải mất 300 năm mới rà phá hết bom mìn với năng lực hiện tại; do đó, hoạt động kinh doanh vật liệu nổ trái phép sẽ tồn tại.[70] Cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Việt Trường thừa nhận hoạt động quản lý chưa chặt chẽ vì "tình trạng nhập nhằng giữa phế liệu và vũ khí vật liệu nổ"; đồng thời xác nhận việc chính quyền Bắc Ninh cấp phép kinh doanh phế liệu trong khu dân cư là "một lỗ hổng".[71] Cựu giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam Lê Mã Lương khẳng định quân đội không được phép bán đạn dược và vật liệu nổ ra thị trường dân sự, đồng thời đề nghị Bộ Quốc phòng xác định trách nhiệm những cá nhân liên quan.[72] Cựu Tư lệnh Quân khu 1 Phạm Xuân Thệ cho rằng sức công phá của vụ nổ tương đương với "đạn pháo trăm ly hoặc bom cỡ lớn trăm kg".[73][74]

Thương nhân phế liệu

Sau khi nghe tin tức về vụ nổ tại Quan Độ, một chủ kho phế liệu (Dân Tiến, Khoái Châu, Hưng Yên) đã giao nộp hai tấn đầu đạn cho chính quyền xã Dân Tiến.[10] Ngày 12 tháng 6 cùng năm, công an huyện Yên Phong phát hiện một xe tải chở phế liệu bình chứa nhiên liệu máy bay tại thôn Quan Độ, chủ kho phế liệu Nguyễn Thị Toàn thừa nhận là chủ lô hàng.[75]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vụ nổ Quan Độ 2018 https://vov.vn/xa-hoi/7-thang-sau-no-dau-dan-kinh-... https://vtv.vn/trong-nuoc/vu-no-o-quan-do-bac-ninh... https://vtv.vn/trong-nuoc/sau-vu-no-o-bac-ninh-cac... https://vnexpress.net/no-kho-phe-lieu-o-bac-ninh-h... https://vnexpress.net/hai-tan-dau-dan-chat-dong-gi... https://vnexpress.net/gan-7-tan-dau-dan-cu-duoc-gi... https://vnexpress.net/lang-quan-do-hon-10-nam-buon... https://vnexpress.net/6-7-tan-dau-dan-manh-kim-loa... https://vnexpress.net/bo-quoc-phong-xac-minh-loi-k... https://vnexpress.net/dan-roi-nhu-vai-thoc-sau-vu-...